Hạ tầng xã hội chưa được quan tâm đầu tư xây dựng
Qua giám sát cho thấy, hạ tầng,đầu tư hạ tầng các KCN chủ yếu triển khai theo hình thức vừa đầu tư xây dựng hạ tầng, vừa thu hút đầu tư, một số nơi đầu tư thiếu bài bản, chất lượng hạ tầng thấp, đặc biệt đối với các KCN thành lập giai đoạn trước 2018 như KCN Đình Trám, KCN Song Khê - Nội Hoàng (khu phía Nam); tiến độ đầu tư hạ tầng chậm, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến đầu tư xây dựng phần diện tích đất công nghiệp cho thuê, chưa quan tâm đầu tư cây xanh, bãi đậu xe…
Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội chưa được quan tâm đầu tư xây dựng như nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, thể thao, phúc lợi phục vụ người lao động trong KCN. Hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào một số KCN, nhất là hệ thống giao thông chậm được đầu tư, đầu tư chưa đồng bộ, còn hạn chế về khả năng kết nối khu vực hoặc đã xuống cấp nhưng chưa kịp thời duy tu, bảo dưỡng... Việc phối hợp giúp doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng chưa được quan tâm đúng mức.
Trước thời điểm Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày của Chính phủ về quản lý, phát triển các CCN có hiệu lực, hầu hết các CCN trên địa bàn tỉnh đều do UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư. Ngân sách nhà nước hạn chế nên chưa bố trí đủ vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng dẫn đến phần lớn các CCN có quy mô nhỏ, hạ tầng thiếu đồng bộ, không có hạ tầng dùng chung, thiếu khu xử lý nước thải tập trung, đến nay chưa được quan tâm khắc phục (9/16 cụm do UBND huyện quản lý hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa được đầu tư).
Cùng với đó, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN của một số sở, ngành, UBND một số huyện còn chưa đáp ứng được yêu cầu, mặc dù trong Kế hoạch số 1721/KH-UBND ngày 23.4.2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã gắn trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, thời gian, lộ trình thực hiện rất cụ thể. Qua khảo sát cho thấy, việc nắm bắt thông tin, kết quả triển khai các công việc để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN còn hạn chế, nhất là công tác bồi thường GPMB. Một số CCN đã đầu tư xây dựng hoàn thành kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên việc quản lý, vận hành còn rất chậm.
Chất lượng thẩm định dự án đầu tư còn hạn chế
Về thu hút dự án đầu tư thứ cấp, Đoàn giám sát HĐND tỉnh nhấn mạnh: ngành nghề thu hút đầu tư vào các KCN chủ yếu là gia công, lắp ráp linh kiện điện tử, cơ khí chế tạo, năng lượng mặt trời; trình độ công nghệ ở mức trung bình, chủ yếu thực hiện ở công đoạn gia công. Chưa thu hút được nhiều dự án FDI lớn có sức lan tỏa, các tập đoàn đa quốc gia, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã thành lập 8 KCN. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho KCN được tỉnh quan tâm và ưu tiên đầu tư xây dựng, đặc biệt, KCN Song Khê - Nội Hoàng (khu phía Bắc) được Trung ương quan tâm hỗ trợ 105 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung giai đoạn 2 của KCN. Đến nay, 5 KCN thành lập giai đoạn trước đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được phê duyệt và có trạm xử lý nước thải tập trung. Tỉnh cũng đã thành lập 45 CCN với tổng diện tích 1.728ha. Hiện, đã có 31/45 CCN đi vào hoạt động, với tổng diện tích 969ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 695ha, diện tích đã cho thuê 482,7ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 81,6%.
Chất lượng thẩm định dự án đầu tư còn hạn chế. Giai đoạn 2018 - 2022, Ban quản lý các KCN đã thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 200 dự án nhưng chỉ còn 185 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong tổng số 422 dự án đầu tư, có 14 dự án bị thu hồi do vi phạm, 36 dự án thu hồi theo đề nghị của nhà đầu tư; có 17 dự án không đưa đất vào sử dụng theo hợp đồng thuê đất đã ký kết, không trực tiếp sản xuất, kinh doanh theo mục tiêu đầu tư ban đầu mà chuyển sang mục tiêu cho thuê nhà xưởng... Công tác quản lý các dự án sau chấp thuận đầu tư còn hạn chế, bất cập. Có tình trạng dự án chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về đầu tư, xây dựng, môi trường; việc giải quyết tài sản trên đất của dự án sau khi chấm dứt đầu tư do vi phạm còn chưa quyết liệt dẫn đến vụ việc kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây lãng phí tài nguyên đất.
Các lĩnh vực sản xuất trong CCN chủ yếu là các doanh nghiệp ngành may mặc chiếm đa số và sử dụng nhiều diện tích đất; còn lại các ngành sản xuất cơ khí, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; phần nhỏ doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử sử dụng diện tích đất ít hơn…